5 Cách Làm Lẩu Riêu Cua Thập Cẩm Ngon Chuẩn Vị

Lẩu riêu cua thập cẩm là một món ăn phổ biến với sự kết hợp của hương vị đậm đà và thanh ngọt. Sự đa dạng của các nguyên liệu thập cẩm tạo nên bữa ăn phong phú phù hợp với bữa ăn gia đình hoặc tiệc quan trọng. Vậy cách chế biến như thế nào? Bài viết sẽ mách cho bạn 5 cách làm lẩu riêu cua thập cẩm ngon miệng đơn giản ngay tại nhà qua công thức dưới đây!

cách làm lẩu riêu cua thập cẩm
Lẩu riêu cua thập cẩm

Cách làm lẩu riêu cua thập cẩm thơm ngon chuẩn vị 

Nguyên liệu làm lẩu riêu cua thập cẩm

Nguyên liệu chính: 

  • Cua đồng: 500g (xay nhuyễn sẵn)
  • Xương ống heo: 500g
  • Xương gà: 500g
  • Tôm sú: 300g
  • Nghêu: 300g
  • Thịt bò: 200g

Nguyên liệu phụ: sả, hành tím, đậu hũ chiên sẵn.

Các loại rau ăn kèm lẩu: mướp, rau mồng tơi, rau nhút,…

Gia vị cần thiết: muối, đường, bột ngọt, hạt nêm,…

Cách làm lẩu riêu cua thập cẩm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm lẩu riêu cua thập cẩm

  • Cua đồng: cho 500ml nước và muối vào thịt cua đã xay nhuyễn sẵn để lọc cua loại bỏ phần xác.
  • Nghêu: đem rửa sơ và cho ngâm vào nước có thả vài lát ớt vào, ngâm trong 1-2 tiếng rồi rửa sạch.
  • Tôm: rửa sạch tôm và đem đi loại bỏ chỉ đen trên lưng.
  • Thit bò: đem rửa sạch rồi để ráo, thái thành những miếng thịt mỏng vừa ăn để nhúng lẩu.
  • Cà chua: rửa sạch và thái múi cau.
  • Sả: rửa sạch, đem đập dập để tăng gia vị và đem đi cắt khúc.
  • Các loại rau ăn kèm: nhặt bỏ phần hư, rửa với nước muối pha loãng sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo.

Bước 2: Ninh nước dùng nấu lẩu riêu cua thập cẩm

  • Phần xương gà và xương ống heo sau khi đã được rửa sạch đem chần sơ 5 phút với nước sôi.
  • Cho hết xương đã chần vào nồi lớn, ninh xương khoảng 2 tiếng với 5 lít nước để cho nước có vị ngọt thanh đạm.
ninh xương làm nước dùng cho lẩu riêu cua thập cẩm
Ninh xương làm nước dùng

Bước 3: Xào cà chua và gạch cua

  • Đun sôi dầu ăn, cho hành tím băm nhuyễn vào phi thơm.
  • Thêm cà chua vào xào sơ, nêm một ít gia vị vào đảo đều.
  • Dùng một chảo khác để làm phần gạch cua thơm béo bằng cách phi thơm hành tím và cho gạch vào đảo đến khi chín.

Bước 4: Nấu nước dùng lẩu riêu cua thập cẩm

  • Vớt các phần xương ống đã được ninh lấy nước dùng ra, cho phần nước cua đã được lọc và cà chua đã xào sơ vào.
  • Đun nước trong lửa lớn, đến khi phần gạch cua nổi lên thì nêm nếm lại cho vừa với khẩu vị.
  • Cuối cùng cho phần gạch cua và đậu hũ chiên sẵn vào, chuẩn bị thưởng thức.

Thành phẩm lẩu riêu cua thập cẩm

cách làm lẩu riêu cua thập cẩm thơm ngon
Nguyên liệu cho lẩu riêu cua thập cẩm

Thưởng thức món lẩu riêu cua thập cẩm ở nồi nấu chuyên dụng và bày trí các nguyên liệu nhúng lẩu xung quanh. Lần lượt cho các nguyên liệu sống vào trước rồi lần lượt cho rau vào sau để đảm bảo vừa chín tới. Nồi lẩu riêu cua thập cẩm cơ bản với nước dùng đậm đà hoà cùng với các loại thịt, hải sản ngọt thịt, hấp dẫn tạo nên bữa tiệc lẩu chế biến đơn giản nhưng vô cùng thịnh soạn.

Hướng dẫn cách làm lẩu riêu cua thập cẩm ngon chuẩn vị!

Cách làm lẩu riêu cua tại nhà

Cách làm lẩu riêu cua thập cẩm với hải sản

Nguyên liệu làm lẩu riêu cua thập cẩm hải sản

Nguyên liệu chính: 

  • Cua đồng: 500g
  • Thanh cua: 100g
  • Tôm sú: 300g
  • Phi lê cá chẽm: 250g
  • Nghêu: 300g
  • Mực ống: 300g

Nguyên liệu nấu nước dùng

  • Xương ống heo: 500g
  • Xương gà: 500g

Nguyên liệu phụ: miếng đậu hũ non, cà chua, khế chua, nhánh gừng, nhánh sả, hành tím, hành lá, bún tươi.

Các loại rau ăn kèm lẩu: rau mồng tơi, rau nhút, rau muống, mướp,…

Gia vị cần thiết: Nước mắm, dầu ăn, muối, dầu điều, giấm, mắm tôm, hạt nêm.

nguyên liệu cách làm lẩu riêu cua thập cẩm
Lẩu riêu cua với hải sản

Lưu ý: Có thể thay thế các loại hải sản khác phù hợp với khẩu vị và sở thích của gia đình.

| Có thể bạn quan tâm: Hải Sản Phổ Biến Ở Việt Nam: Đa Dạng, Dinh Dưỡng Và Cách Chế Biến Hấp Dẫn |

Cách làm lẩu riêu cua hải sản

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu nấu nước dùng

  • Sơ chế sạch xương ống và xương gà, chần sơ qua nước sôi.
  • Khi thịt xương săn lại, vớt ra chậu nước đá.
  • Cho toàn bộ xương vào nồi và ninh trong 1-2 tiếng.
nước dùng cho cách làm lẩu riêu cua thập cẩm
Nước dùng cho lẩu riêu cua thập cẩm

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu chính

  • Sơ chế phi lê cá chẽm: đánh sạch vảy, loại bỏ phần máu và nội tạng cá chẽm. Dùng muối chà xát lên thân để loại bỏ nhớt, rửa sạch 2-3 lần nước và để ráo. Phi lê cá chẽm thành những miếng vừa ăn.
  • Sơ chế tôm sú: cắt bỏ chân, đầu, bóc sạch vỏ và rửa sạch với nước. Chẻ dọc lưng tôm để lấy chỉ đen, rửa sạch lần nữa rồi để ráo.
  • Sơ chế mực ống: rút bỏ xương ở thân và răng ở đầu mực. Chà xát muối lên thân mực 3-5 phút, rửa sạch với nước, sau đó để ráo và thái khoanh vừa ăn.
  • Sơ chế nghêu: Rửa sơ với nước, ngâm nghêu vào nước muối pha loãng có thêm vài lát ớt trong 1-2 tiếng. Sau khi nghêu nhả hết cát và bụi bẩn, rửa sạch và để ráo.
  • Sơ chế thanh cua: thanh cua đem rửa sạch rồi tách đôi.

Bước 3: Sơ chế các loại nguyên liệu còn lại

  • Cà chua: rửa sạch và thái múi cau.
  • Khế: rửa sạch, cắt bỏ từng cạnh và thái mỏng.
  • Gừng, tỏi, hành tím: làm sạch vỏ, thái nhỏ.
  • Sả, hành lá: cắt thành khúc nhỏ.
  • Các loại rau ăn kèm: nhặt bỏ phần hư, rửa với nước muối pha loãng sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo.
sơ chế nguyên liệu cách làm lẩu riêu cua thập cẩm hải sản
Các nguyên liệu đi kèm

Bước 4: Sơ chế cua đồng

Phần nước riêu cua quyết định hương vị lẩu riêu cua thập cẩm, cần thực hiện cẩn thận và tỉ mỉ để món lẩu trở nên hấp dẫn:

  • Cho cua vào chậu nước, khuấy mạnh để loại bỏ bùn đất.
  • Vớt cua ra, tách mai, gạt phần gạch vàng vào chén riêng.
  • Ngâm thân cua trong nước muối loãng khoảng 10 phút, sau đó rửa lại sạch.
  • Giã nhuyễn thân cua, trộn với 500ml nước, khuấy đều rồi lọc lấy nước cốt, bỏ xác.
sơ chế cua đồng cách làm lẩu riêu cua thập cẩm hải sản
Sơ chế cua đồng

Bước 5: Nấu nước dùng lẩu riêu cua thập cẩm hải sản

  • Phi thơm hành tím và gừng, sau đó cho sả, khế, cà chua vào xào sơ.
  • Dùng chảo khác phi thơm tỏi và hành tím, sau đó cho gạch cua vào xào. Thêm 1 muỗng dầu điều để tạo màu đẹp mắt.
  • Phần nước hầm xương vớt bỏ xương thịt và xương gà ra.
  • Cho nước cua đã lọc vào chung với nước hầm và đun lửa lớn.
  • Khi riêu cua nổi lên, vớt ra để riêng.
  • Cho phần rau củ đã xào vào nước dùng và khuấy đều.
  • Nêm nếm gia vị vừa ăn với giấm bỗng, mắm tôm, nước mắm, hạt nêm, muối.
  • Đun sôi nước dùng thêm 3 phút, tắt bếp.
nấu nước dùng cho lẩu riêu cua thập cẩm hải sản
Nấu nước dùng cho lẩu riêu cua đồng

Thành phẩm lẩu riêu cua thập cẩm hải sản

Cho hỗn hợp nước lẩu đã sơ chế vào nồi lẩu chuyên dụng, thêm riêu cua và đậu hũ chiên vào rồi đun nóng. Khi nước lẩu sôi, bạn có thể nhúng cá, hải sản và các loại rau ăn kèm vào, vớt ra thưởng thức ngay khi vừa chín tới. Món lẩu riêu cua thập cẩm sẽ ngon hơn khi ăn kèm với bún tươi và chấm cùng nước mắm chua cay đậm đà, mang đến hương vị khó quên cho bữa ăn gia đình hoặc tiệc tụ tập bạn bè.

thành phẩm cách làm lẩu riêu cua thập cẩm hải sản
Thành phẩm cách làm lẩu riêu cua thập cẩm hải sản

Cách làm lẩu riêu cua thập cẩm với bắp bò 

Nguyên liệu làm lẩu riêu cua thập cẩm bắp bò

Nguyên liệu chính: 

  • Bắp bò: 700g
  • Cua đồng xay: 500g
  • Gạch cua: 50g

Nguyên liệu phụ: nấm rơm, cà chua, đậu hũ chiên sẵn, bánh đa (hoặc bún tươi), hành tím băm, hành phi, hành lá.

Các loại rau ăn kèm lẩu: bắp chuối, mồng tơi, rau muống, cải thảo,…

Gia vị cần thiết: giấm, màu điều, nước mắm, bột ngọt, muối,…

nguyên liệu cách làm lẩu riêu cua đồng thập cẩm bắp bò
Nguyên liệu làm lẩu riêu cua đồng thập cẩm bắp bò

Mẹo chọn bắp bò ngon:

  • Chọn mua những miếng màu đỏ tươi, có chút gân trắng, mỡ vàng.
  • Thịt bò có độ đàn hồi tốt, chạm tay không cảm thấy dính nhớt.
  • Tránh mua thịt có mùi hôi khó chịu để đảm bảo cho món ăn.

Cách làm lẩu riêu cua bắp bò

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm lẩu riêu cua bắp bò

  • Bắp bò: chà xát muối và gừng để khử mùi tanh, rửa sạch với nước và để ráo. Sau đó thái bắp bò thành từng miếng vừa ăn.
  • Cà chua: rửa sạch và thái múi cau.
  • Nấm rơm: cắt bỏ hết chân nấm sau đó rửa sạch, cắt nấm làm đôi.
  • Các loại rau ăn kèm: nhặt bỏ phần hư, rửa với nước muối pha loãng sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo.
sơ chế nguyên liệu cách làm lẩu riêu cua thập cẩm bắp bò
Chuẩn bị nguyên liệu

Bước 2: Làm riêu cua

  • Cho cua đồng xay vào bát, thêm 2 lít nước, khuấy đều rồi lọc qua rây để lấy nước cốt.
  • Đổ nước cốt vào nồi, thêm 1 thìa muối, đun sôi với lửa nhỏ.
  • Khi nước sôi, đun thêm 15 phút cho riêu cua đóng thành mảng.
  • Vớt riêu cua ra bát, giữ lại phần nước trong nồi để nấu lẩu.
  • Phi thơm hành tím với dầu ăn, cho gạch cua vào xào khoảng 5 phút ở lửa nhỏ.
  • Trộn gạch cua đã xào vào riêu cua, rắc thêm hành phi lên trên.
nấu riêu cua cách làm lẩu riêu cua thập cẩm bắp bò
Làm riêu cua

Bước 3: Nấu nước lẩu

  • Xào cà chua với dầu điều và hành tím băm.
  • Bắt nồi nước dùng luộc riêu cua với lửa lớn, thêm nấm rơm, đậu hũ và phần cà chua vừa xào vào.
  • Nêm nếm nước lẩu với mắm tôm, nước mắm, đường, hạt nêm, bột ngọt và giấm. 
  • Cuối cùng cho riêu cua vào và đun sôi, tắt bếp.

Thành phẩm lẩu riêu cua thập cẩm bắp bò

Cho hỗn hợp nước lẩu đã sơ chế vào nồi lẩu chuyên dụng, chuẩn bị đĩa bắp bò, các loại rau ăn kèm lẩu, bánh đa (hoặc bún tươi) để dùng bữa. Nước lẩu riêu cua thập cẩm đậm đà và thơm nức mũi, ăn chung với miếng thịt bò mềm ngọt tạo nên một tiệc lẩu hấp dẫn.

thành phẩm cách làm lẩu riêu cua thập cẩm bắp bò
Lẩu riêu cua thập cẩm bắp bò

Cách làm lẩu riêu cua thập cẩm theo vị miền Bắc 

Nguyên liệu làm lẩu riêu cua thập cẩm miền Bắc

Nguyên liệu chính: 

  • Thịt bò: 200g
  • Cua đồng: 500g
  • Hột vịt lộn: 5 quả

Nguyên liệu phụ: đậu hủ non, hành tím, cà chua, sả.

Các loại rau ăn kèm lẩu: bắp chuối, bông điên điển, rau muống, giá sống,…

Gia vị cần thiết: muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, mắm nêm, giấm…

Cách nấu lẩu cua đồng miền Bắc

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm lẩu cua đồng miền Bắc

  • Cua đồng: đem cua ngâm 2 tiếng để nhả bớt bùn rồi rửa sạch. Bỏ phần yếm cua, phần gạch cho ra chén riêng, thịt cua xay nhuyễn với 1.5l nước và lọc cua để loại bỏ phần vỏ, cặn.
  • Thịt bò: chà xát muối và gừng để khử mùi tanh, sau đó đem đi rửa sạch, để ráo rồi thái thành những lát mỏng vừa ăn.
  • Hột vịt lộn: rửa sạch trứng rồi cho vào luộc khoảng 15-20 phút cho hột vịt chín và để dùng sau.
  • Cà chua: rửa sạch và thái múi cau.
  • Đậu hũ non: rửa sạch và đợi ráo nước.
  • Các loại rau ăn kèm: nhặt bỏ phần hư, rửa với nước muối pha loãng sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo.

Bước 2: Sơ chế gạch cua

  • Đun sôi dầu ăn, cho hành tím băm nhuyễn vào phi thơm.
  • Thêm cà chua vào xào sơ, nêm một ít đường và hạt nêm vào đảo đều đến khi cà chua chín.
  • Tiếp tục cho một ít dầu ăn vào, cho gạch cua xào sơ đến khi dậy mùi rồi trút ra chén riêng.

Bước 3: Chiên vàng đậu hũ non

  • Đậu hũ non đem đi cắt đều thành những khúc vuông vừa ăn.
  • Đun sôi dầu ăn và cho đậu hũ vào chiên ngập đến khi vàng đều các mặt.

Bước 4: Nấu nước dùng lẩu cua đồng miền Bắc

  • Nước dùng cua đã được lọc đem đi đun sôi với lửa nhỏ.
  • Nêm một chút gia vị vào cho vừa ăn, thường xuyên khuấy nhẹ và đều tay để riêu cua đóng thành mảng và nồi lên.
  • Thêm sả được đập dập cùng với cà chua đã xào vào nước dùng.
  • Khi nước sôi, cho phần đậu hũ non chiên vàng cùng với gạch cua vào, đun thêm 2 phút và tắt bếp.

Thành phẩm lẩu riêu cua thập cẩm miền Bắc

cách làm lẩu riêu cua thập cẩm miền Bắc
Lẩu riêu cua thập cẩm miền Bắc

Với cách nấu lẩu cua đồng miền Bắc thơm ngon đặc trưng, đun sôi nước dùng thanh mát và ăn cùng với thịt bò mềm ngọt, trứng vịt lộn béo ngậy cùng các loại rau ăn kèm. Sự kết hợp đa dạng nhưng lại độc đáo xứng đáng để một lần trải nghiệm thử món ăn bổ dưỡng này.

Cách làm lẩu riêu cua thập cẩm theo vị miền Nam 

Nguyên liệu làm lẩu riêu cua thập cẩm miền Nam

Nguyên liệu chính: 

  • Cua đồng: 500g (xay nhuyễn sẵn)
  • Cua lột: 300g

Nguyên liệu phụ: tỏi, hành tím, ớt, cà chua, sả, bún tươi.

Các loại rau ăn kèm lẩu: mướp, rau mồng tơi, rau muống, cải thảo,…

Gia vị cần thiết: muối, đường, bột ngọt, hạt nêm,…

Cách nấu lẩu cua đồng miền Tây Nam Bộ

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm lẩu cua đồng miền Nam

  • Cua đồng: thịt cua đã xay nhuyễn sẵn đem hoà với 1.5l nước và lọc cua để loại bỏ phần xác cua đi.
  • Cua lột: cua đem tách bỏ phần mai, cắt cua ra làm đôi và cho phần gạch tách riêng vào chén nhỏ.
  • Cà chua: rửa sạch và thái múi cau.
  • Sả: rửa sạch, đem đập dập để tăng gia vị và đem đi cắt khúc.
  • Tỏi và hành tím: bóc sạch vỏ và đem đi băm nhuyễn.
  • Các loại rau ăn kèm: nhặt bỏ phần hư, rửa với nước muối pha loãng sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo.

Bước 2: Xào cua

  • Đun sôi dầu ăn, cho ớt, hành tím và tỏi băm nhuyễn vào phi thơm.
  • Thêm cà chua vào xào sơ, nêm một ít gia vị vào đảo đều rồi cho ra bát riêng.
  • Tiếp tục cho một ít dầu ăn vào cùng với các phần ớt, hành tím và tỏi còn lại để xào chung với gạch cua, xào sơ đến khi dậy mùi rồi trút ra chén riêng.
  • Cuối cùng cho phần cua vào, đảo của đến khi săn và tiến hành nấu nước dùng.

Bước 4: Nấu nước dùng lẩu cua đồng miền Nam

  • Nước dùng cua đã được lọc đem đi đun sôi với lửa nhỏ đến khi cua đóng thành mảng và nổi lên.
  • Thêm sả cây và cà chua đã được xào vào nồi nước dùng.
  • Khi nước dùng đã sôi, trút tất cả phần gạch cua và cua lột còn lại vào đun thêm 2 phút rồi tắt bếp.

Thành phẩm cách nấu lẩu riêu cua thập cẩm miền Nam

cách làm lẩu riêu cua thập cẩm miền Nam
Lẩu riêu cua thập cẩm miền Nam

Nước dùng của cách nấu lẩu riêu cua thập cẩm miền Nam chua ngọt đậm đà cùng với món cua lột nhiều thịt thơm ngon tạo nên một nồi lẩu hấp dẫn để ăn cùng với bún tươi.

Mẹo để làm lẩu riêu cua thập cẩm ngon

Để thực hiện cách làm lẩu riêu cua thập cẩm thêm phần đậm đà và hấp dẫn, chú ý một số lưu ý nhỏ dưới đây để đảm bảo chất lượng cho bữa ăn của bạn cùng gia đình:

mẹo cách làm lẩu riêu cua thập cẩm ngon
Mẹo làm lẩu riêu cua

Lưu ý khi nấu lẩu riêu cua thập cẩm

  • Trong quá trình nấu riêu cua, chế biến với lửa nhỏ và tránh việc dùng đũa quấy làm vỡ riêu cua.
  • Nêm lượng gia vị phù hợp với khẩu phần ăn và lượng nước dùng.
  • Có thể mua cua đồng xay sẵn ở các siêu thị uy tín để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lựa chọn rau nhúng lẩu phù hợp

Ngoài các nguyên liệu chính đa dạng, bạn nên kết hợp thêm các loại rau xanh giúp cân bằng hương vị và làm món ăn thêm phong phú. Dưới đây là một số loại rau phù hợp để bạn có thể lựa chọn vào thực đơn lẩu riêu cua thập cẩm:

Rau cải thảo: Đây là loại rau phổ biến và lý tưởng để ăn kèm với các món lẩu, đặc biệt là lẩu thiên về hải sản. Với vị nhạt đặc trưng, cải thảo giúp làm nổi bật hương vị đậm đà của nước lẩu, đồng thời giữ được độ giòn và thấm đẫm gia vị khi nhúng.

Rau muống: Là một trong các loại rau phổ biến nhất tại Việt Nam, thường xuyên góp mặt vào đa dạng các loại lẩu. Rau có vị giòn, ngọt và thanh mát, giúp cân bằng và hài hoà với vị ngọt tự nhiên của lẩu riêu cua thập cẩm.

Bắp chuối bào: Bắp chuối được thái nhỏ thường được ưa chuộng trong các bữa tiệc lẩu riêu cua thơm ngon. Với vị chát nhẹ, hậu ngọt thanh và giòn tự nhiên, bắp chuối sẽ giúp bạn không cảm thấy bị ngán ăn và đầy bụng, khó tiêu.

Rau mồng tơi: Rau mồng tơi là một loại rau rất ngon khi dùng với nước lẩu nhờ vào sự thấm đẫm gia vị của nước dùng. Loại rau này còn có tác dụng về giải nhiệt nên giúp làm giảm độ cay nóng và thanh nhiệt hiệu quả khi dùng với lẩu.

Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm các loại rau, củ khác phù hợp với món ăn và khẩu vị của gia đình để món lẩu trở nên hấp dẫn và ngon miệng.

rau ăn kèm cách làm lẩu riêu cua thập cẩm
Rau ăn kèm lẩu riêu cua thập cẩm

| Xem thêm: Top 2 Cách Nấu Lẩu Hải Sản Ngon Chuẩn Vị Nhà Hàng Tại Nhà |

Lời kết

Lẩu riêu cua thập cẩm là một món ăn đa dạng về nguyên liệu nhưng vẫn giữ được hương vị hài hoà đặc trưng. Với cách làm lẩu riêu cua thập cẩm chi tiết ở trên, bạn hoàn toàn có thể tự tay nấu ngay món ăn hấp dẫn này ngay tại nhà. Hãy chia sẻ thành quả hoặc công thức lẩu riêu cua mà gia đình bạn thích nhất ở phần bình luận bên dưới!

Tác giả: Lâm Quang Vị

Lâm Quang Vị là chuyên gia nghiên cứu và biên tập nội dung ẩm thực chuyên sâu về hải sản và văn hóa ăn uống vùng biển Việt Nam. Với hơn 12 năm kinh nghiệm trong ngành báo chí – truyền thông ẩm thực, anh được biết đến là người sở hữu kiến thức sâu sắc về cách chọn, chế biến, và đánh giá chất lượng hải sản tại các địa phương nổi tiếng từ Bắc vào Nam. Không chỉ là người đứng sau hàng trăm bài viết về món ngon và địa điểm ăn uống hải sản uy tín, anh còn là người kết nối cộng đồng yêu ẩm thực với những quán ăn chất lượng, chân thực và đúng vị biển nhất.

Viết một bình luận